Nông Nghiệp Số

Nâng tầm giá trị nông nghiệp Việt Nam

Nông Nghiệp Số

Nâng tầm giá trị nông nghiệp Việt Nam

Hợp tác xã Nông nghiệp Số ký kết hợp tác với HueCIT theo định hướng chiến lược xây dựng Nông thôn thông minh kết nối Đô thị thông minh.

06/03/2021 1707 lượt xem

  Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề "Phát triển các dịch vụ trên nền tảng GISHue cho Đô thị thông minh" vừa diễn ra chiều ngày 02/10 tại Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT), HueCIT và Hợp tác xã Nông nghiệp Số đã tổ chức lễ ký kết hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo, tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược xây dựng Nông thôn thông minh kết nối Đô thị thông minh.

Đại diện lãnh đạo hai đơn vị tại Lễ ký kết

  Theo đó, với vai trò là đơn vị chủ lực của Tỉnh trong lĩnh vực CNTT, HueCIT sẽ phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp số trong việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo, tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT – truyền thông và chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược xây dựng Nông thôn thông minh kết nối Đô thị thông minh. Hai đơn vị cũng sẽ thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật số (Công nghệ 4.0), bao gồm: AI, IoT, BigData, Blockchain, 3D GIS mapping/modelling... ; Tư vấn, xây dựng các chính sách ứng dụng khoa học, công nghệ về Công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Thừa Thiên Huế; đồng thời  tổ chức các Hội thảo, Hội nghị khoa học, trao đổi học thuật và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nhằm mục đích phục vụ chuyển đổi số, kết nối, xây dựng Đô thị thông minh, Nông thôn thông minh cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

TS. Hoàng Bảo Hùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh phát biểu khai mạc tại Hội thảo 

  Hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có Nông nghiệp đã trở thành xu thế tất yếu. Trước những thách thức hiện hữu về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng như sự phát triển mạnh mẽ của rất nhiều ngành nghề trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Nông nghiệp là ngành dễ bị tổn thương nhất khi mọi hoạt động đều phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Ứng dụng CNTT trong Nông nghiệp nhằm giúp hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã vượt qua mọi thách thức và chủ động, sáng tạo hơn trong sự vận động phát triển cùng xã hội.

  Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, TS. Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm HueCIT cho biết thêm: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng  lĩnh vực CNTT và truyền thông là ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sản xuất, nghiên cứu khoa học, phát triển đào tạo, HueCIT đang tích cực mở rộng, kết nối với các đơn vị, tổ chức, ngành nghề để đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng như dự nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội nghị chuyên đề thu hút sự quan tâm của các chuyên gia CNTT trên toàn quốc, đại diện các đơn vị sở ban ngành địa phương có nhiều ứng dụng về GIS

  Đối với lĩnh vực GIS, dự án GISHue đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai xây dựng từ năm 2005 do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, sản phẩm sau đó được bàn giao cho Sở Thông tin và Truyền thông quản lý và phát triển. Từ năm 2010 đến nay, Hệ thống cơ sở dữ liệu GISHue đã được phát triển trên hệ thống dữ liệu GIS của tỉnh cùng với các sản phẩm phục vụ Đô thị thông minh. Hội thảo "Phát triển các dịch vụ trên nền tảng GISHue cho Đô thị thông minh" lần này là bước khởi đầu của Trung tâm trong việc kết nối với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo định kỳ hàng năm về GIS tại Huế nhằm mục tiêu xây dựng lực lượng nhân lực để phát triển về CNTT, đặc biệt trong lĩnh vực GIS tại Thừa Thiên Huế.

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT trình bày tham luận "Nền tảng dữ liệu không gian mở Open Street Map cho hạ tầng các hệ thống GIS mở" tại Hội nghị

  Tại Hội nghị, các tham luận tập trung giới thiệu và đưa ra các giải pháp, ứng dụng trong lĩnh vực GIS, cụ thể: Tham luận "Cổng Thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế và các dịch vụ ứng dụng" (Ông Nguyễn Dương Anh, Giám đốc Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế), "Ứng dụng GIS xây dựng mô phỏng kịch bản, phân tích và dự báo trong đô thị thông minh" (Ông Đỗ Công Chung, Trưởng phòng phát triển kinh doanh - Công ty TNHH Esri Việt Nam), "Nền tảng dữ liệu không gian mở Open Street Map cho hạ tầng các hệ thống GIS mở" (Ông Hoàng Hữu Hạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT), "Ứng dụng nền tảng Aktivmap để quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, hướng đến thành phố thông minh" (Ông Lê Phước Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam – Đan Mạch VidaGIS), "Ứng dụng công nghệ GIS hướng đến lộ trình xây dựng lưới điện thông minh" (Ông Hoàng Ngọc Hoài Quang, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế), "Quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng trên CSDL GIS" (Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm CNTT Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng), "Một số giải pháp ứng dụng công nghệ UAV cho Đô thị thông minh" (Ông Nguyễn Hữu Nhật, Giám đốc Cty CP Nghiên cứu Đầu tư và Phát triển Công nghệ iGEO), "Hệ thống cảnh báo rủi ro dùng các cảm biến năng lượng thấp và dữ liệu viễn thám" (Ông Phan Hiền Vũ, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM).

  Hội nghị chuyên đề nhằm mục tiêu đánh giá về hiện trạng vận hành của Cổng Thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế (GISHue) và các dịch vụ ứng dụng trên Cổng. Đồng thời, dựa trên kinh nghiệm triển khai, vận hành các ứng dụng công nghệ GIS trong các lĩnh vực tại các địa phương để đưa ra các giải pháp, đề xuất phù hợp cho việc phát triển các dịch vụ phục vụ cho Đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Có thể bạn quan tâm: Mô hình xây dựng xã thông minh - Nông thôn mới thông minh

Chia sẻ:
Top